9 BƯỚC GIÚP TRẺ TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH

17:35 - 03/09/2019 1233

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bên cạnh việc sử dụng, bổ sung dưỡng chất dinh dưỡng, bạn còn cần phải kết hợp với những việc làm sau:

1. Cho trẻ bú sữa mẹ  

Sữa mẹ chứa đầy đủ các vitamin, dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, đặc biệt sữa mẹ bổ sung kháng thể giúp trẻ phòng bệnh. Những trẻ bú sữa mẹ ít bị mắc các bệnh nhiễm trùng hơn các trẻ bú bình. Các mẹ nên cho trẻ bú đến khi trẻ được 2 tuổi.

 

2. Thường xuyên vuốt ve trẻ     

Việc thường xuyên được vuốt ve, trò chuyện khiến thai nhi cảm nhận tốt thế giới bên ngoài. Điều này giúp kích thích phát triển hệ thần kinh của trẻ. Bé sinh trưởng nhanh hơn và có cảm giác an toàn. Sự vuốt ve có thể cải thiện hệ tuần hoàn máu, nâng cao khả năng miễn dịch, giúp trẻ hấp thụ tốt, bớt quấy khóc, mất ngủ.

3. Tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ

Các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để phòng chống một số bệnh nguy hiểm như Sởi, Thuỷ đậu, Viêm não, Viêm gan , Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà...

4. Thiết lập các thói quen tốt

Bạn nên hỗ trợ, giúp trẻ sớm hình thành thói quen tốt cho bản thân như ngủ đủ giấc, năng vận động...

Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ tập thể dục thể thao thường xuyên (bơi lội, đi bộ, chơi đá bóng, đạp xe…) kích thích hệ miễn dịch phát triển. Trẻ thường xuyên vận động, hạn chế chơi game, sử dụng máy tính sẽ khỏe mạnh và ít ốm hơn những trẻ khác.

5. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và tăng cường vi chất

Khi thay đổi thức ăn cho trẻ, nếu không chú ý giữ vững cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng của bé sẽ bị yếu. Bạn nên cho con ăn nhiều trứng, thịt, các loại rau, hoa quả tươi. Đây là những thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng (vitamin A, sắt, iốt, kẽm, canxi...) giúp chống lại bệnh tật. Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, quá mặn hay quá ngọt không tốt cho sức khỏe của trẻ.

6. Uống nhiều nước

Việc thường xuyên uống nhiều nước có thể giúp rửa sạch ruột, hỗ trợ đường tiêu hóa.

7. Cho trẻ tiếp xúc thường xuyên với môi trường

Khi đó, trẻ sẽ có sức đề kháng tự nhiên tốt hơn do cơ thể đã được tập làm quen với những tác nhân gây hại (nếu có) trong môi trường. Đây là cách tập luyện hệ miễn dịch đồng thời giúp trẻ hình thành tính cách có lợi cho sự phát triển toàn diện.

8. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Bạn nên rèn cho trẻ thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ và rửa tay sau khi đi vệ sinh, đặc biệt trước khi ăn cơm. Bé sẽ hình thành thói quen, tránh đưa vi khuẩn vào người.

9. Không nên tùy ý dùng thuốc kháng sinh

Hệ thống miễn dịch của cơ thể quen với một vài loại vi khuẩn tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh. Việc tùy ý dùng thuốc kháng sinh dẫn tới hiện tượng "nhờn" thuốc. Điều này khiến cơ thể không thể chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh.

Một số thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

1. Sữa chua

 

Sữa chua luôn là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Trong sữa chua có chứa các lợi khuẩn được gọi là probiotic. Các lợi khuẩn này đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể bé chống lại bệnh tật, cải thiện hệ tiêu hóa.

 

2. Tăng cường rau củ quả vitamin

 

Các loại vitamin A, C, E, D đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé.

 

Vitamin A: đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các tế bào da, đường tiêu hóa và tế bào biểu mô phổi, tạo thành “hàng rào” chính bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm: cà rốt, cải xoăn, súp lơ xanh, bí, quả mơ, cá và khoai lang.

 

Vitamin C: tìm thấy trong dâu tây, cam, chanh, bưởi, ….giúp tăng cường sản sinh tế bào bạch cầu và kháng thể gồm interferon kháng thể. Interferon bao phủ lên bề mặt tế bào giúp hạn chế sự xâm nhập của vi rút.

 

Vitamin D: có trong ánh sáng mặt trời, lòng đỏ trứng, dầu cá và các thực phẩm bổ sung vitamin D. Hãy tham khảo  ý kiến bác sĩ về nồng độ an toàn được khuyến khích cho con bạn.

 

Vitamin E: kích thích sự sản sinh các tế bào diệt vi khuẩn tự nhiên và tế bào B giúp sản sinh kháng thể chống lại vi khuẩn. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, dầu thực vật và ngũ cốc.

 

 

3. Khoáng chất và axit béo Omega-3

 

Kẽm: Kẽm rất quan trọng cho sự phát triển các tế bào bạch cầu giúp nhận biết và tiêu diệt các loại vi khuẩn, vi rút xâm nhập. Có thể bổ sung kẽm thông qua các loại thực phẩm gồm: thịt bò, hàu, thịt lợn, gia cầm, sữa chua, hoặc sữa.

 

Selen: Selen có nhiều trong những động vật có vỏ như hàu, tôm hùm, cua và sò, giúp các tế bào bạch cầu sản xuất các cytokine-protein giúp loại bỏ vi rút gây bệnh như vi rút cúm ra khỏi cơ thể.

 Sắt: Cũng giống như kẽm, thiếu sắt có thể dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm bệnh. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, đậu phụ, ngũ cốc, đậu lăng.

 

Axít béo omega-3: được tìm thấy trong dầu lanh, hạt quả óc chó và cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá thu) giúp tăng cường hoạt động của các tế bào bạch cầu tiêu diệt vi khuẩn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về sử dụng acid béo omega-3 trong chế độ ăn cho bé.

4. Nước súp gà.

Súp gà, cháo gà với một số gia vị như hành hoặc một vài loại rau, củ, tiêu ( người lớn) để cung cấp thêm nhiều sinh tố, chất chống oxy hóa là một loại thực dưỡng chống cảm và giải cảm thông dụng của y học dân gian.  Kết quả nghiên cứu của bác sĩ Stephen Rennard thuộc trường Đại học Nebraska, Mỹ cho biết nước súp gà giúp làm tan những chỗ sung huyết, phù nề, làm loãng dịch tiết và giảm  tình trạng nghẹt mũi. 

5. Tỏi.

 Mặc dù với trẻ nhỏ việc ăn tỏi không phải dễ dàng. nhưng các bà mẹ nên cố gắng thêm một chút gia vị tỏi vào món ăn cho bé vì trong tỏi chứa nhiều allicin giúp bảo vệ trẻ khỏi các loại virus gây bệnh.

6. Rong biển.

Ngày nay, các loại rong biển cũng được các nhà dinh dưõng đánh giá rất cao trong vai trò giải độc và cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng giúp phòng chống bệnh tật.  Bên cạnh hàm lượng đạm dễ chuyển hóa rất cao, rong biển còn có nhiều sinh tố A và  những carotenoids là những chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng kháng viêm, bảo vệ màng tế bào.  Những polysaccharides trong rong biển có tác dụng tăng cường tính miễn dịch và nâng cao sức chịu đựng của cơ thể đối với những thay đổi của môi trường.

  • LƯU Ý: Tránh đồ ăn chứa nhiều đường

Thực phẩm chứa nhiều đường là nguyên nhân gây ra cảm giác không ngon miệng ở trẻ. Thực phẩm chứa hàm lượng đường cao sẽ khiến dạ dày bị yếu, làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể. Đường có tác dụng giúp lợi tiểu, vì vậy nó sẽ gây ra triệu chứng khô miệng và có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu cho trẻ thường xuyên dùng thực phẩm chứa nhiều đường sẽ làm tăng sự hấp thụ của canxi và vitamin B1, vì vậy trẻ thường ra nhiều mồ hôi và dễ bị cảm lạnh.


Tin liên quan