TRẢ LỜI TỪ CÁC CHUYÊN GIA: CÁC PHƯƠNG THỨC ĐƠN GIẢN VÀ HIỆU QUẢ ĐỂ NUÔI DẠY CON

17:39 - 03/09/2019 1206

Just Kids xin gửi lại một số các câu trả lời cho các câu hỏi của Bố mẹ mà các chuyên gia chưa kịp trả lời hết trong các buổi hội thảo tháng 5/2013 vừa qua của cô Vicki Fraser và Helen Tapper – chuyên gia đào tạo mầm non của Trường Cao đẳng Mầm non Quốc tế Úc. 

Câu hỏi:

Bé nhà tôi 22 tháng, chậm nói. Con chậm nói nhưng có thể hát những câu gần đúng với bài hát. Ngôn ngữ con có phát triển bình thường không?

Trả lời:

Nếu trẻ hát được có thể là ngôn ngữ con phát triển bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần kiểm tra xem con có thực sự nghe được và hiểu những gì người khác nói không thì hát thì âm thanh cao hơn là nói bình thường, nên có đôi khi trẻ nghe và lặp lại được bài hát nhưng nghe nói bình thường thì không.

Nếu con nghe tốt và hiểu được người khác nói mà chưa nói mà vẫn hát được, đó có thể là con không chịu nói chứ không phải là không nói được. Nhiều khi con chưa nói đã có người nói hộ rồi nên con không có nhu cầu diễn đạt nhu cầu của mình. Trẻ cần phải đưa vào tình huống ngôn ngữ để nói. Ví dụ như khi bố mẹ làm điều gì đó cho con, như mặc quần áo, bố mẹ nên diễn tả những việc mình làm theo lời nói: Bây giờ chúng ta mặc áo, chúng ta xỏ tay phải vào… mục tiêu là cho trẻ nghe ngôn ngữ trong ngữ cảnh. Ngôn ngữ đi vào từ ngôn ngữ nghe trước tiên và sau đó thì mới tái tạo lại. Bên cạnh đó, bố mẹ cần đưa ra các câu hỏi có hai sự lựa chọn, ví dụ như Con muốn uống nước hay uống sữa? để trẻ bắt buộc phải trả lời.

Câu hỏi:

Cũng bé 22 tuổi ở trên, khi không hài lòng cháu thường ném hoặc hất đổ đồ vật, quay mặt đi và chạy đi chỗ khác. Đôi khi cháu cũng cố gắng tát bố mẹ để thể hiện sự không hài lòng. Tôi phải làm gì để con không có biểu hiện như trên?

Trả lời:

Trẻ ở tuổi này ném đồ hay có những biểu hiện như con là bình thường.  Ở tuổi này khả năng ngôn ngữ chưa nhiều và trẻ chưa hiểu được các giải thích hay giảng giải. Vì vậy cách tốt nhất là: 1/khi trẻ đánh, bố mẹ không đánh lại; 2/bố mẹ cũng không cần thiết phải giảng giải, chỉ đơn giản là bình tĩnh, không cần nói gì làm gì, chỉ đơn giản là không phản hồi. Nếu sa vào việc giảng giải ví dụ như Con làm thế mẹ đau, đừng làm thế… sẽ càng làm cho trẻ muốn làm vì trẻ cần phản ứng của bố mẹ.  Vì vậy, ở giai đoạn này, quan trọng là không phản ứng lại.

Câu hỏi:

Nên cho trẻ xem TV, chơi iPad, điện thoại… bao lâu trong một ngày?

Trả lời:

Theo các nghiên cứu và khuyến cáo của Úc, trẻ dưới 2 tuổi tuyệt nhiên không được xem TV, chơi điện thoại, màn hình máy tính…Trẻ em từ 2 tuổi đến 6 tuổi không xem màn hình quá 1 tiếng/ngày trên tổng thời gian.

Nguyên nhân đơn giản là: 1/ giao tiếp giữa người với người là quan trọng nhất cho sự phát triển của trẻ về mọi mặt: ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc; 2/việc xem màn hình làm mắt chỉ nhìn một hướng, hạn chế sự phát triển và vận động của các cơ mắt; 3/việc xem nhiều TV làm hạn chế thời gian đáng nhẽ dành cho các hoạt động thể chất, chạy nhảy…tốt hơn rất nhiều cho sự phát triển không những về thể chất mà mọi mặt khác của trẻ vì trẻ học qua nhiều giác quan: nghe, nhìn, sờ, mó, nếm, vận động; 4/TV còn có nhiều quảng cáo không tốt cho trẻ; 5/Xem TV hay điện thoại nhiều quá trước khi ngủ làm trẻ khó ngủ, TV hay các thiết bị điện tử để trong phòng ngủ cũng gây nên các sóng làm trẻ khó ngủ hay ngủ không ngon giấc.

Trả lời câu hỏi Bố mẹ có nói là có những chương trình Giáo dục cho trẻ  như Baby Einstein rất có ích cho trẻ mà nếu trẻ không được xem thì sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ, các chuyên gia trả lời là: Nền công nghiệp nhắm tới trẻ em đã tạo nên rất nhiều sản phẩm và mặt lợi ích của những sản phẩm đó được quảng cáo cao hơn giá trị nó mang lại. Các nghiên cứu khoa học nhiều khi còn chỉ ra đều ngược lại với những sản phẩm được quảng cáo là tốt cho trẻ.

Tuy nhiên, do Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai cho trẻ trong môi trường ngôn ngữ chính là Tiếng Việt, việc xem TV, DVD bằng Tiếng Anh có thể cho trẻ tiếp xúc được với môi trường ngôn ngữ sớm, tuy nhiên bố mẹ cũng nên hạn chế và cho trẻ tiếp xúc chủ yếu bằng nghe hơn là TV, DVD: nghe các bài hát, câu truyện, đọc truyện cho trẻ…

Câu hỏi:

Con tôi năm nay 2 tuổi lên 3 tuổi. Con đi học ở trường được một năm nhưng không tăng cân. Ở trường cô giáo bảo con vẫn ăn hết suất.

Trả lời:

Tuổi 2-3 tuổi là tuổi ít tăng cân nhất do ở tuổi này trẻ thích khám phá, hoạt động và bận bịu rất nhiều với các hoạt động khám phá của mình nên nhiều khi quên ăn hoặc hoạt động nhiều nên tiêu hao năng lượng.  

Câu hỏi

Con tôi năm nay 2 tuổi lên 3 tuổi. Con đi học thời gian đầu vui vẻ nhưng gần đây không thích đi học nữa, cô giáo nói là ở trường con vẫn vui vẻ nhưng buổi sáng đi học rất mất nhiều thời gian để thuyết phục con. Tôi phải làm thế nào?

Trả lời:

Chuyện này cũng rất bình thường. Tất cả trẻ con đều làm như vậy. Con tôi đi học khóc từ 3 tuổi cho đến 5 tuổi. Cái này rất tùy thuộc vào tính cách của trẻ. Tuy nhiên trẻ từ 2 lên 3 đặc biệt là tuổi đặc biệt nhất. Cái này, người lớn chỉ cần rất nhất quán và kiên định là buổi sáng bố, mẹ phải đi làm, con đi học, buổi chiều bố/mẹ đón con về và chúng ta sẽ kể cho nhau nghe những gì mình làm trong ngày… Chỉ nên tập trung vào những ý nghĩ tích cực, không nên hỏi trẻ những câu hỏi tiêu cực như vì sao con không thích đi học…

Câu hỏi:

Bố mẹ nên có ứng xử thế nào khi đương đầu với giai đoạn trẻ trở nên bướng bỉnh và không nghe lời (từ 3 tuổi trở lên).

Trả lời:

Giai đoạn trẻ lên 3 là giai đoạn khủng hoảng của trẻ. Cái bố mẹ cần làm khi con không nghe lời là:

-        Khi bố mẹ  cần nói với con điều gì, phải bảo đảm chắc chắn là con nghe và hiểu được những gì bố mẹ nói một cách chăm chú. Khi trao đổi với con, bố mẹ cần giao tiếp mắt với con để bảo đảm con lắng nghe và thấy sự nghiêm túc.

-         Khi con không nghe lời, phải có hậu quả, ví dụ như con sẽ không được làm cái gì đó mà con thích, và cái đó phải được giải thích rõ ràng.

-        Bố mẹ không nên quát tháo hay giảng giải khi trẻ đang khóc lóc. Hãy bình tĩnh và để trẻ bình tĩnh, không vướng bận chuyện gì nữa hẵng nói chuyện với trẻ.

Câu hỏi:

Ngoài chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng vắcxin, có những cách nào để tăng sức đề kháng cho trẻ, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa?

Trả lời:

Rửa tay là biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất cho trẻ. Chúng ta cần dạy trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng bình thường và dưới vòi nước. Chúng ta cần dạy trẻ che miệng lại khi ho và đi rửa tay, che mũi lại khi hắt hơi và đi rửa tay, rửa tay thường xuyên.

Câu hỏi:

Làm thế nào để phát triển thẩm mỹ, kích thích trí tưởng tượng của trẻ?

Trả lời:  

Không khó để kích thích trí tưởng tượng của trẻ.  Bố mẹ không cần các đồ đắt tiền, hãy thu thập nhiều bộ phận không ăn khớp vào với nhau như vỏ chai, hộp cartoon các kích cỡ khác nhau để cho trẻ sáng tạo nên nhiều thứ từ những cái đó hơn là những bộ đồ chơi mà có sản phẩm cuối cùng giống nhau (như xếp hình). Bên cạnh đó, hãy lấy cái chăn và các gối để xây nên những góc đọc sách cho trẻ. Và đọc sách là cách khơi gợi trí tưởng tượng, phát triển thẩm mỹ tốt cho trẻ. Trẻ phải được đọc ít nhất là một cuốn sách, câu truyện mỗi ngày.

Câu hỏi:

Bé gái 4.5 tuổi, thường phản đối khá dữ dội khi mẹ kể các câu chuyện về bé với người khác. Hành xử thế nào khi trẻ phản ứng khi nghe mệ kể trộm với người khác?

Trả lời:

Bố mẹ nên hỏi ý kiến con trước khi muốn kể chuyện về con với người khác. Hoặc có thể khuyến khích con tự kể thay vì bố mẹ kể. Có những cách kể khác nhau về những tiến bộ của con, ví dụ như dán ảnh các thành tích của con trên tường. Hay có thể làm các cuốn album, cuốn sách dán ảnh và mẹ cùng con viết những câu chuyện của con vào đó, sau đó thì con có thể dùng cuốn sách đó để tự kể, chia sẻ cho ông bà hay ai đó con muốn chia sẻ.

Câu hỏi:

Tôi được biết giai đoạn 0-6 tuổi trẻ học ngoại ngữ rất tốt. Bà có thể cho biết một số cách để giúp Bố mẹ giúp con học ngoại ngữ giai đoạn này?

Trả lời:

Giai đoạn 0-6 tuổi là cơ hội tuyệt vời cho trẻ học ngoại ngữ. Bạn phải biết việc học ngoại ngữ là một phần trong hoạt động hàng ngày. Đó là các hành động làm mẫu bằng ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ thường xuyên hàng ngày và sử dụng thật nhiều các câu truyện bằng Tiếng Anh. Sử dụng kỹ thuật scaffolding (hỏi, gợi mở, nâng kiến thức lên dần dần) để cung cấp thật nhiều các kinh nghiệm hàng ngày cho trẻ bằng ngôn ngữ.

Câu hỏi:

Trẻ thường xuyên “lý luận”, “cãi” người lớn theo ý ngược lại với lời người lớn yêu cầu, dù “lý luận” đó là sai. Ngoài việc giải thích cho con, bố mẹ chưa biết làm sao. Việc đó có đáng lo không? Bé 4.5 tuổi.

Trả lời:

Đây là cơ hội tuyệt vời, là những thử thách cho trẻ. Chúng ta muốn trẻ tự suy nghĩ, phân tích và đưa ra lý lẽ của mình, và không quan trọng là lý lẽ đó sai theo cách của người lớn. Hãy tạo cơ hội cho trẻ được tranh luận, trong chừng mực khi tranh luận trẻ vẫn biết tôn trọng người lớn và tranh luận một cách lễ phép.

Câu hỏi:

Con trai 5-6 tuổi thường nói “không” nói ngược với yêu cầu của người lớn, chưa biết chơi với bạn, không biết cách đùa làm nhiều khi lại đánh bạn trong khi chỉ muốn chơi với bạn.

Trả lời:

Chúng ta phải dạy trẻ những hành vi thân thiện, ví dụ từng bước một cách tham gia một nhóm chơi phải như thế nào, trẻ cần nói câu thế nào để xin vào chơi cùng các bạn, phải phản ứng thế nào khi bạn bảo thế này thế kia... Bằng các câu chuyện xã hội, chúng ta tạo các tình huống xã hội và chỉ cho trẻ cách hành xử trong các tình huống xã hội đấy, chính xác như “hướng dẫn sử dụng” (instruction manuals) vậy. Khi trẻ thấy mình thành công nhờ thực hiện hành vi đã được hướng dẫn, trẻ sẽ đi theo con đường đó thay vì “bắt nạt” các bạn.

Câu hỏi:

Tôi có một bé gái 18 tháng tuổi và sắp sinh một em bé. Tôi phải làm gì để chuẩn bị cho con gái tôi với sự thay đổi này? Hãy cho tôi những lời khuyên để có thể lôi kéo con gái vào quá trình nuôi dạy em?

Trả lời:

Điều quan trọng nhất là bạn vẫn phải dành thời gian cho con gái của mình. Bạn phải duy trì nếu không được tất cả thì những gì quan trọng bạn vẫn hay làm cho con gái trước đó, ví dụ như đọc truyện cho con trước khi đi ngủ. Nhiều lúc, bạn nên nhờ ông bà hay bố dành thời gian cho em để bạn có thời gian riêng với con gái của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể mua cho con gái một con búp bê để bé có thể chăm sóc. Khi bạn chăm sóc em bé, thay bỉm, cho em bé ăn… bạn có thể cho con gái làm tương tự với búp bê của mình: Mẹ thay bỉm cho em, con cũng thay bỉm cho em búp bê nhé; mẹ ru em ngủ, con ru em bé của con ngủ đi… Làm như thế con gái sẽ thấy mình luôn luôn là một phần trong cả quá trình nuôi dạy em bé thứ hai.

Câu hỏi:

Cháu trai 2 tuổi bị táo bón dài ngày, mỗi lần đi cháu khóc nhiều, đau và rất khó khăn, hoảng sợ. Gia đình đã cho đi khám ở các bệnh viện lớn nhưng vẫn không được dứt điểm. Vậy nguyên nhân tại sao? Cách chữa trị thế nào?

Trả lời:

Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân. Cách chữa trị thời điểm đó là có thể cho trẻ uống Metamucal, một loại thuốc làm cho phân mềm. Có thể mua loại bột pha với nước uống hàng ngày trong một tuần. Ngoài ra, mẹ có thể cho con uống nước cam vắt từ quả cam tươi, đun nước mận khô cho con uống hay vắt nước từ quả mận (mận tây, màu tím, to) hàng ngày cho con uống. Con cần uống nhiều nước, giảm lượng sữa. Nếu cần uống sữa, con chỉ nên uống sữa tươi và uống ít hơn bình thường.

Câu hỏi:

Tôi có một bé gái 14 tháng và tôi muốn giáo dục con sớm bằng phương pháp Montessori qua internet. Bà có thể cho tôi địa chỉ một số trang web giáo dục của Úc được không?

Trả lời:

Bạn có thể xem các trang web sau đây:

www.raisingchildren.net.au

www.zerotothree.org

Lời nhắn của các chuyên gia tới các bố mẹHãy chọn trận đánh của mình – Choose your own battle. Trong mọi vấn đề, ăn uống, học tập, hành vi, hãy cân nhắc kỹ trước xem các lựa chọn, cách thức của mình đã hợp lý, phù hợp với độ tuổi của trẻ chưa trước khi muốn thay đổi và điều chỉnh trẻ.


Tin liên quan